Đạo đức học trong các trường phái Đạo_đức_học

Suốt từ thời cổ đại, đạo đức học bao giờ cũng là một bộ phận của triết học. Những vấn đề của đạo đức học nhiều khi còn là vấn đề trung tâm của nhiều hệ thống triết học. Các bộ phận khác như bản thể luận, nhận thức luận thường chỉ đóng vai trò cơ sở cho việc xây dựng hệ thống đạo đức học. Điều này biểu hiện rõ nét trong triết học của Platon, Aristotle, trường phái Êpiquya, trường phái ích kỉ, Spinôda, Kant, trong triết học của Khổng tử, Mạnh tử, Lão tử, Tuân tử và nhiều trường phái khác. Tại sao vậy? Bởi vì đạo đức học chính là triết học của đời sống thực tiễn, mà lợi ích của đời sống thực tiễn thường lấn át lợi ích lý thuyết thuần túy.

Tư tưởng đạo đức học của người Hy Lạp cổ đại chú trọng lý giải sự hình thành các chuẩn mực luân lý và tập tục, tìm cách phân biệt thật-giả, thiện-ác... Đạo đức học lúc này được coi là học thuyết về phẩm hạnh.

Người Trung Quốc cổ đại cũng có những quan niệm đạo đức học rất sớm. Đạo ban đầu chỉ có nghĩa là con đường đã đi theo Thuyết Văn giải Tự, về sau có thêm nghĩa là con đường có chí hướng nhất định, hướng dẫn hành vi con người theo một phương hướng nào đó. Nói tóm lại: đạo là con đường sống của con người trong xã hội. Đức trong nghĩa thông dụng của người Trung Quốc cổ đại chỉ đức hạnh tốt, phần tốt đẹp, thẳng thắn của con người. Đức thường được hiểu là biểu hiện của đạo. Nói đạo đức liền nhau thường để chỉ những yêu cầu, những nguyên tắc cuộc sống đặt ra, đòi hỏi mọi người tuân theo.